
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent personality disorder) là một tình trạng tâm thần trong đó con người phụ thuộc quá nhiều vào người khác để đáp ứng nhu cầu về tình cảm và thể chất của mình. Người bệnh có xu hướng thiếu tự tin và thường xuyên tìm kiếm sự trấn an từ người khác. Cần chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Tìm hiểu chung rối loạn nhân cách phụ thuộc
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent personality disorder) là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến nhu cầu được người khác chăm sóc quá mức. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc tự đưa ra quyết định và sợ hãi khi phải chịu trách nhiệm cá nhân. Người mắc bệnh này dựa vào những người khác vì nhu cầu tình cảm hoặc thể chất của họ. Những người khác có thể mô tả họ là người thiếu thốn tình cảm hoặc đeo bám người khác quá mức.
Những người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc tin rằng họ không thể tự chăm sóc bản thân. Họ có thể gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định hàng ngày, như mặc gì hoặc ăn gì nếu không có sự trấn an của người khác. Họ thường không nhận ra rằng suy nghĩ và hành vi của họ có vấn đề.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là một trong nhóm các tình trạng được gọi là rối loạn nhân cách “Nhóm C”. Chúng liên quan đến cảm giác lo lắng và sợ hãi. Rối loạn nhân cách là những kiểu hành vi kéo dài, không phù hợp với các chuẩn mực văn hóa. Rối loạn nhân cách gây đau khổ cho người mắc bệnh và/hoặc những người xung quanh.
Triệu chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể bao gồm:
- Tránh ở một mình;
- Trốn tránh trách nhiệm cá nhân;
- Dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích hoặc không tán thành;
- Trở nên quá tập trung vào nỗi sợ bị bỏ rơi;
- Trở nên rất thụ động trong các mối quan hệ;
- Cảm thấy rất khó chịu hoặc bất lực khi mối quan hệ kết thúc;
- Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định mà không có sự hỗ trợ từ người khác;
- Gặp vấn đề trong việc thể hiện sự bất đồng quan điểm với người khác.
- Chấp nhận bị lạm dụng hoặc đối xử tệ bạc để duy trì mối quan hệ;
- Thiếu tự tin vào khả năng của bản thân và thường xuyên cần người khác khẳng định giá trị của mình.
Cảm thấy khó chịu khi ở một mình là triệu chứng của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách phụ thuộc, hãy lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc can thiệp sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách phụ thuộc
Nguyên nhân chính xác của rối loạn nhân cách phụ thuộc vẫn chưa được biết rõ. Một nghiên cứu vào năm 2012 ước tính rằng từ 55% đến 72% nguy cơ mắc bệnh này là do di truyền từ cha mẹ. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa hoặc xã hội đề cao sự tuân thủ và phụ thuộc cũng có thể góp phần vào việc phát triển rối loạn này.
Những đặc điểm phụ thuộc ở trẻ em có xu hướng tăng lên do sự bảo vệ quá mức quả cha mẹ đối với con cái. Do đó, khả năng phát triển chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc tăng lên, vì những đặc điểm nuôi dạy con cái này có thể hạn chế chúng phát triển ý thức tự chủ.
Những trải nghiệm đau thương hoặc bất lợi trong giai đoạn đầu đời của một cá nhân, chẳng hạn như bị bỏ rơi, gia đình không hạnh phúc, bị lạm dụng hoặc mắc bệnh nghiêm trọng, có thể làm tăng khả năng phát triển các rối loạn nhân cách phụ thuộc, sau này trong cuộc sống.
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể do bố mẹ bảo vệ con cái quá mức
Nguy cơ rối loạn nhân cách phụ thuộc
Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách phụ thuộc?
Theo DSM-5, tỷ lệ rối loạn nhân cách phụ thuộc được chẩn đoán ở nam và nữ là tương đương nhau.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách phụ thuộc
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách phụ thuộc bao gồm:
- Từng bị lạm dụng thời thơ ấu;
- Bị bệnh nghiêm trọng;
- Trong gia đình có người thân mắc các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
- Thiếu sự hỗ trợ và khuyến khích tự lập trong quá trình trưởng thành;
- Môi trường gia đình kiểm soát hoặc bảo vệ quá mức.
Phương pháp chẩn đoán & điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn nhân cách phụ thuộc
Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán về rối loạn nhân cách phụ thuộc dựa trên các tiêu chí cho tình trạng này trong Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc liên quan ít nhất 5 trong số các hành vi sau:
- Khó đưa ra quyết định hàng ngày mà không có lời khuyên và sự trấn an từ người khác.
- Cần người khác chịu trách nhiệm về những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.
- Khó có thể bất đồng quan điểm với người khác vì họ sợ mất đi sự ủng hộ hoặc tán thành.
- Gặp vấn đề khi tự mình bắt đầu dự án vì họ không tự tin vào khả năng phán đoán và năng lực của mình.
- Sẵn sàng nỗ lực hết mình (như làm những công việc khó khăn đối với bản thân) để nhận được sự hỗ trợ từ người khác.
- Cảm thấy khó chịu hoặc bất lực khi ở một mình vì sợ không thể tự chăm sóc bản thân.
- Rất cần khẩn thiết hình thành một mối quan hệ mới với một người khác để họ chăm sóc và hỗ trợ mình khi mối quan hệ thân thiết trước đó của bạn vừa kết thúc.
- Nỗi lo lắng phi thực tế về việc phải tự chăm sóc bản thân.
Bác sĩ tâm lý sẽ đặt các câu hỏi, trò chuyện để chẩn đoán bạn có mắc rối loạn nhân cách phụ thuộc hay không
Điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc
Nội khoa
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc thường được áp dụng bao gồm:
- Trị liệu tâm động học: Trị liệu này giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân. Nó có thể giúp bạn thay đổi cách bạn kết nối với người khác và môi trường xung quanh bạn.
- Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Thông qua trị liệu nhận thức hành vi, bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Bạn sẽ học cách áp dụng các mô hình và thói quen suy nghĩ lành mạnh hơn vào cuộc sống. Nó có thể đặc biệt tập trung vào việc phát triển các kỹ năng xã hội.
- Thuốc điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc: Hiện tại không có loại thuốc nào có thể điều trị được chứng rối loạn nhân cách. Nhưng có những loại như thuốc an thần, thuốc điều trị trầm cảm và lo âu, người mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng có thể sử dụng. Các có thể được bác sĩ chỉ định bao gồm Sertraline, Mirtazapine, Fluoxetine,…
- "Liệu pháp nhóm" có thể giúp người bệnh phát triển kỹ năng xã hội và tự tin hơn trong môi trường an toàn.
Tuy nhiên, để có kết quả tốt nhất, bạn nên dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc
Ngoại khoa
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là bệnh không cần điều trị ngoại khoa.
Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa rối loạn nhân cách phụ thuộc
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Chế độ sinh hoạt:
Để hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách phụ thuộc, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Tập thể dục mỗi ngày;
- Quản lý căng thẳng bằng các bài tập thư giãn, yoga, khí công, dưỡng sinh;
- Tập trò chuyện nhiều hơn với gia đình, bạn bè khi có các vấn đề tâm lý;
- Cha mẹ nên tập cho trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân ngay từ khi còn nhỏ.
- Tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc câu lạc bộ để mở rộng mạng lưới xã hội và tăng cường sự tự lập;
- Học cách đặt ra và đạt được các mục tiêu cá nhân nhỏ để xây dựng sự tự tin.
Chế độ dinh dưỡng:
Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng rối loạn nhân cách phụ thuộc, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bản thân. Hạn chế tiêu thụ caffeine và đồ uống có cồn có thể giúp giảm triệu chứng lo âu.
Phòng ngừa rối loạn nhân cách phụ thuộc
Theo hướng dẫn mới năm 2022, cho thấy rằng việc can thiệp sớm và giáo dục kỹ năng tự lập có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Việc khuyến khích trẻ phát triển kỹ năng tự lập và tự tin ngay từ nhỏ có thể giúp phòng ngừa rối loạn này. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi các triệu chứng xuất hiện có thể giúp giảm bớt sự ảnh hưởng xấu đối với cuộc sống, gia đình và tình cảm của bạn.
Viết bình luận