Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder) là chứng trầm cảm mãn tính ở mức độ nhẹ đến trung bình. Nó liên quan đến tâm trạng buồn bã hoặc u ám hầu hết thời gian trong ngày, trong hầu hết các ngày, trong hai năm hoặc hơn. Rối loạn trầm cảm dai dẳng là bệnh phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi.

 

Tìm hiểu chung rối loạn trầm cảm dai dẳng

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder), hay còn được biết đến với tên gọi "rối loạn trầm cảm kéo dài" (Dysthymia), là một dạng trầm cảm kéo dài và liên tục. Bạn có thể cảm thấy buồn bã và trống rỗng, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày và gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc. Bạn cũng có thể có lòng tự trọng thấp, cảm thấy mình là kẻ thất bại và vô vọng. Những cảm giác này kéo dài hơn 2 năm và có thể cản trở các mối quan hệ, trường học, công việc và hoạt động hàng ngày của bạn.

Nếu bạn mắc chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, bạn có thể khó có thể lạc quan ngay cả trong những dịp vui vẻ. Bạn có thể được miêu tả là người có tính cách u ám, thường xuyên phàn nàn hoặc không thể vui vẻ. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể không nghiêm trọng như trầm cảm nặng, nhưng kéo dài hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Vì chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng có tính chất lâu dài nên việc đối phó với các triệu chứng trầm cảm có thể là một thách thức. Sự kết hợp giữa liệu pháp tư vấn tâm lý và thuốc chống trầm có thể có hiệu quả trong điều trị tình trạng này. Việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị.

 

Triệu chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng

Triệu chứng chính của rối loạn trầm cảm dai dẳng là tâm trạng buồn, chán nản hoặc u ám. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Cảm giác tuyệt vọng, vô giá trị hoặc bị cô lập;
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều;
  • Thiếu tập trung;
  • Không có năng lượng;
  • Lòng tự trọng thấp;
  • Rắc rối ở nơi làm việc hoặc trường học;
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Khó đưa ra quyết định;
  • Giảm hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động hàng ngày;
  • Cảm giác tội lỗi hoặc lo lắng quá mức về những sự kiện trong quá khứ.

Hầu hết những người mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng cũng từng trải qua giai đoạn trầm cảm nặng ít nhất một lần tại một thời điểm nào đó, đôi khi được gọi là “trầm cảm kép” (double depression).

 

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng

Nếu không được điều trị, rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Suy giảm khả năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp;
  • Gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu hoặc lạm dụng chất gây nghiện;
  • Ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tự làm hại bản thân.

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4

Thiếu tập trung là triệu chứng thường gặp của rối loạn trầm cảm dai dẳng

 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng nào, đặc biệt là có ý định tự tử hay làm hại người khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, vì điều trị sớm có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn.

 

Nguyên nhân rối loạn trầm cảm dai dẳng

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn trầm cảm dai dẳng

Các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây ra rối loạn trầm cảm dai dẳng. Nhưng nó có thể liên quan đến nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc trầm cảm có nguy cơ cao hơn phát triển rối loạn này.
  • Sự mất cân bằng hóa học trong não: Sự bất thường trong hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine có thể góp phần.
  • Yếu tố môi trường: Các sự kiện đau thương như mất người thân, vấn đề tài chính hoặc mức độ căng thẳng cao có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng.
  • Yếu tố tâm lý: Thiếu sự hỗ trợ xã hội, cô lập xã hội hoặc có những đặc điểm tính cách tiêu cực.

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5

Nồng độ Hormone Serotonin thấp có thể là nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm dai dẳng

 

Nguy cơ rối loạn trầm cảm dai dẳng

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn trầm cảm dai dẳng?

Rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể xảy ra với bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Bệnh này phổ biến hơn ở phụ nữ và những người có người thân mắc bệnh tương tự. Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn, do rối loạn thường bắt đầu ở độ tuổi này.

 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn trầm cảm dai dẳng

Rối loạn trầm cảm dai dẳng thường bắt đầu sớm ở thời thơ ấu, tuổi thiếu niên hoặc thanh niên và tiếp tục trong một thời gian dài. Một số yếu tố dường như làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, bao gồm:

  • Có người thân ruột thịt cấp một, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột, mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng hoặc các chứng rối loạn trầm cảm khác.
  • Những sự kiện đau thương hoặc căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như mất đi người thân hoặc các vấn đề tài chính lớn.
  • Bản thân có những đặc điểm tính cách bao gồm tiêu cực, lòng tự trọng thấp, tự phê phán bản thân hoặc luôn nghĩ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.
  • Mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách.
  • Lạm dụng chất gây nghiện như rượu, ma túy.
  • Thiếu sự hỗ trợ xã hội hoặc bị cô lập xã hội.
 

Phương pháp chẩn đoán & điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn trầm cảm dai dẳng

Nếu bạn nghĩ mình mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng, hãy nói chuyện với bác sĩ. Không có xét nghiệm nào cho bệnh trầm cảm nên chẩn đoán chỉ dựa vào hỏi bệnh và khám bệnh với bác sĩ. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Bạn có cảm thấy buồn nhiều không?
  • Có lý do cụ thể nào khiến bạn cảm thấy chán nản không?
  • Bạn có mất ngủ không?
  • Bạn có khó tập trung không?
  • Bạn có uống bất kỳ loại thuốc nào không?
  • Bạn đã có những triệu chứng này bao lâu rồi?
  • Các triệu chứng có xuất hiện liên tục hay đến rồi đi?
  • Bạn có tiền sử gia đình về trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác không?
  • Bạn có từng nghĩ đến việc tự làm hại bản thân hoặc tự tử không?

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để loại trừ các nguyên nhân khác. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để điều trị bệnh cho bạn.

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6

Bác sĩ sẽ khám và hỏi bệnh để chẩn đoán bạn có mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng không

 

Điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng

Nội khoa

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho rối loạn trầm cảm dai dẳng là kết hợp thuốc và liệu pháp trò chuyện hoặc tư vấn.

Thuốc chống trầm cảm là thuốc theo có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm của bạn. Có nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị trầm cảm trong đó có 2 nhóm thuốc thường được dùng phổ biến nhất bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRI): Fluoxetine, Sertraline.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin-Norepinephrine (SNRI): Duloxetine, Venlafaxine.

Ngoài ra, các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm ba vòng (Tricyclic antidepressants) hoặc thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp, đặc biệt khi các thuốc khác không hiệu quả.

Liệu pháp nhận thức hành vi cũng có thể giúp điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn kiểm tra suy nghĩ và cảm xúc của mình cũng như cách chúng ảnh hưởng đến hành động của bạn. Liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và phát triển suy nghĩ tích cực hơn.

Ngoài ra, liệu pháp tâm lý giữa cá nhân (Interpersonal therapy) tập trung vào cải thiện các mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp cũng có thể hữu ích.

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7

Thuốc chống trầm cảm là phương pháp giúp điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng hiệu quả

 

Ngoại khoa

Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý không hiệu quả, các phương pháp điều trị khác như kích thích từ xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation - TMS) hoặc liệu pháp điện co giật (Electroconvulsive Therapy - ECT) có thể được xem xét.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa rối loạn trầm cảm dai dẳng

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn trầm cảm dai dẳng

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của rối loạn trầm cảm dai dẳng, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:

  • Tập thể dục mỗi ngày; hoạt động thể chất giúp tăng cường endorphin, cải thiện tâm trạng.
  • Quản lý căng thẳng bằng các bài tập thư giãn, yoga, khí công, dưỡng sinh;
  • Tái khám đầy đủ và tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
  • Tham gia các hoạt động xã hội và kết nối với gia đình, bạn bè để nhận được sự hỗ trợ, quan tâm.
  • Thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Chế độ dinh dưỡng:

Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bạn:

  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein lành mạnh.
  • Hạn chế tiêu thụ caffeine và rượu, vì chúng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ.
 

Phòng ngừa rối loạn trầm cảm dai dẳng

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng. Bởi vì nó thường bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc trong những năm thiếu niên, việc xác định trẻ có nguy cơ mắc bệnh này có thể giúp chúng được điều trị sớm.

Các chiến lược có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng.
  • Tập thể dục.
  • Hãy nói chuyện với gia đình và bạn bè, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng, để giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn.
  • Điều trị ngay khi có dấu hiệu sớm nhất của vấn đề để giúp ngăn ngừa các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
  • Cân nhắc việc điều trị lâu dài để giúp ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.
  • Học cách quản lý stress thông qua các kỹ thuật thư giãn như thiền định, yoga hoặc hít thở sâu.

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 8

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng giúp giảm nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng

Đang xem: Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng