Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tìm hiểu chung viêm mũi teo

Viêm mũi teo là gì?

Viêm mũi là hiện tượng sưng (phù nề) và viêm niêm mạc mũi. Tình trạng viêm này ảnh hưởng và gây ra các vấn đề về hô hấp.

Teo niêm mạc mũi là thuật ngữ y học để chỉ tình trạng mô bị teo lại, mỏng đi hoặc mất đi. Khi bị viêm mũi teo, niêm mạc bên trong mũi của bạn trở nên mỏng hơn và sau đó co rút lại. Mô này bao phủ các xương được gọi là cuốn mũi, có tác dụng làm ấm, làm ẩm và lọc không khí hít thở. Xương xoăn mũi cũng có thể co lại hoặc trở nên mỏng hơn.

Viêm mũi teo là hiện tượng khô mũi xảy ra khi các mô bên trong mũi mỏng đi hoặc teo đi. Cuối cùng, mô cứng lại. Kết quả là khoang mũi - nơi không khí lưu thông qua lỗ mũi, sẽ mở rộng. Niêm mạc mũi của người bệnh sẽ trở nên quá khô, bong tróc, hình thành một lớp vảy trong mũi có mùi hôi.

Viêm mũi teo là một loại viêm mũi không dị ứng. Có khoảng 30 triệu người Mỹ mắc một số loại viêm mũi không dị ứng.

 

Các loại viêm mũi teo

Có hai loại viêm mũi teo:

  • Viêm mũi teo nguyên phát: Rất hiếm gặp ở Bắc Mỹ. Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 1% người trưởng thành sống ở vùng có khí hậu khô, nóng như Ấn Độ, Châu Phi và Ả Rập Saudi. Loại bệnh này cũng có thể ảnh hưởng đến các loài vật nuôi như lợn và bò.
  • Viêm mũi teo thứ phát: Chủ yếu ảnh hưởng đến những người sau phẫu thuật xoang. Bệnh lý nhóm này có thể xảy ra sau khi phẫu thuật thu nhỏ cuốn mũi. Quy trình phẫu thuật này sẽ loại bỏ một phần hoặc toàn bộ cuốn mũi và làm thu nhỏ mô niêm mạc mũi.
  • Viêm mũi thuốc: Tình trạng này có thể dẫn đến viêm mũi ở những người đang dùng thuốc xịt mũi như oxymetazoline và phenylephrine trong thời gian dài. Vì vậy, không nên sử dụng thuốc xịt mũi này trong hơn ba ngày liên tiếp. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm mũi teo.
 

Triệu chứng viêm mũi teo

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi teo

Viêm mũi teo có thể khiến lớp niêm mạc mũi bong vảy có mùi hôi hình thành bên trong mũi. Mũi của bạn có thể chảy máu nếu bạn cố gắng loại bỏ lớp vảy mũi này. Người bệnh cũng có thể bị hôi miệng kèm theo. Đa phần người bệnh thường không nhận thấy những mùi hôi này vì hiện tượng giảm khứu giác nhưng những người xung quanh thì có thể nhận ra.

Một số triệu chứng khác của viêm mũi teo bao gồm:

  • Chảy máu mũi mạn tính;
  • Chảy mủ từ mũi;
  • Niêm mạc mũi khô và đóng vảy;
  • Nhiễm trùng xoang (viêm xoang).
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1

Chảy máu mũi mạn tính có thể gặp trong viêm mũi teo

 

Biến chứng của viêm mũi teo

Trong một số trường hợp, viêm mũi teo có thể khiến người bệnh giảm hoặc mất khứu giác. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phát triển hội chứng mũi rỗng (Empty nose syndrome - ENS). Hội chứng này có thể khiến người bệnh cảm thấy như có vật gì đó chặn trong đường mũi của mình mặc dù mũi vẫn thông thoáng. 

Một số triệu chứng thường gặp trong hội chứng này bao gồm cảm giác ngạt mũi hoàn toàn, giảm khứu giác, đau đầu, giảm thị giác, chảy máu mũi, rối loạn giấc ngủ,...

 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến thăm khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng:

  • Khó thở;
  • Giảm khứu giác;
  • Ho mạn tính;
  • Khô mũi và đóng vảy mũi;
  • Nghẹt mũi (cảm giác như có vật gì đó chặn đường mũi đang hít thở của bạn);
  • Chảy máu cam tái phát hoặc kéo dài.
 

Nguyên nhân viêm mũi teo

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm mũi teo

Nguyên nhân gây viêm mũi teo được chia thành hai nhóm bao gồm viêm mũi teo nguyên phát và viêm mũi teo thứ phát.

Nguyên nhân viêm mũi teo nguyên phát bao gồm:

  • Dị ứng;
  • Nhiễm khuẩn;
  • Mất cân bằng nội tiết tố estrogen;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh viêm mũi teo;
  • Thiếu sắt hoặc vitamin A hoặc vitamin D;
  • Những bất thường về cấu trúc của đường mũi khi mới sinh (bẩm sinh).
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2

Nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể dẫn đến viêm mũi teo

 

Nguyên nhân viêm mũi teo thứ phát bao gồm:

  • Các bệnh lý tự miễn dịch;
  • Bệnh u hạt kèm viêm đa mạch (Granulomatosis with polyangiitis - GPA, trước đây gọi là Wegener's);
  • Nhiễm trùng bao gồm cả nhiễm trùng xoang;
  • Xạ trị;
  • Bệnh Sarcoidosis;
  • Bệnh giang mai;
  • Chấn thương vùng đầu mặt hoặc chấn thương ở mũi;
  • Sử dụng thuốc xịt thông mũi kéo dài.
 

Nguy cơ viêm mũi teo

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm mũi teo?

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm mũi teo, bao gồm:

  • Tiền căn dị ứng, bệnh tự miễn dịch;
  • Tiền căn nhiễm mũi vùng tai mũi họng;
  • Tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật vùng đầu mặt;
  • Tiền căn bệnh lý gia đình mắc viêm mũi teo;
  • Trẻ bất thường cấu trúc vùng đầu mặt;
 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm mũi teo

Một số yếu tố nguy cơ gây viêm mũi teo bao gồm:

  • Xạ trị vùng đầu mặt cổ;
  • Dùng thuốc xịt mũi kéo dài;
  • Rối loạn nội tiết tố estrogen;
  • Thiếu sắt;
  • Thiếu vitamin A hoặc vitamin D.
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3

Sử dụng thuốc thông mũi kéo dài có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi teo

 

Phương pháp chẩn đoán & điều trị viêm mũi teo

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm mũi teo

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng mà người bệnh hiện đang có, tần suất khởi phát, mức độ của triệu chứng để đánh giá tình trạng của người bệnh, hỏi về tiền căn bệnh lý và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám tổng trạng và khám chuyên biệt tại vùng mũi.

Để hỗ trợ việc chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm kháng nguyên dị ứng để xác nhận hoặc loại trừ dị ứng.
  • Chụp CT để có được hình ảnh chi tiết về vùng đầu, các khoang và khoang mũi.
  • Nội soi mũi bằng ống nội soi cứng hoặc ống mềm có gắn camera để quan sát cấu trúc bên trong mũi, kiểm tra các bất thường như niêm mạc khô teo, polyp mũi, u sùi hoặc các vấn đề khác.
  • Kiểm tra lưu lượng hít vào qua mũi để đo luồng không khí khi hít thở.
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4

Hình ảnh nội soi và chụp cắt lớp vi tính trên người bệnh viêm mũi teo

 

Điều trị viêm mũi teo

Hiện nay, không có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn viêm mũi teo. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bảo tồn có thể làm giảm lớp vảy khô có mùi hôi và giảm thiểu các triệu chứng.

Một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng bao gồm:

  • Lấy vảy mũi và rửa mũi bằng dung dịch Natri bicarbonat loãng ấm mỗi ngày;
  • Chống ngạt tắc mũi bằng cách xì mũi hay hút, rửa mũi để làm sạch các chất dịch tiết và mủ, nhỏ các thuốc co mạch như: ephedrin 1 - 3%, naphazolin 0,05 - 0,1% hay các dung dịch khác như sulfarin, oxy methazolin, NaCl 0,09%;
  • Thuốc mỡ kháng sinh bôi bên trong mũi, thường dùng Streptomycin tại chỗ;
  • Thuốc mỡ dưỡng ẩm mũi;
  • Estrogen dạng viên hoặc thuốc xịt mũi;
  • Vitamin A hoặc vitamin D;
  • Sử dụng máy giữ ẩm.
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5

Rửa mũi bằng dung dịch Natri bicarbonat loãng ấm

 

Mặc dù khá hiếm gặp nhưng một số người bệnh cần phải cân nhắc việc phẫu thuật để điều trị bệnh lý này. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có thể thảo luận và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bạn.

Phẫu thuật làm hẹp hốc mũi bằng cách độn mảnh nhựa acrylic vào hốc mũi (phẫu thuật Eries) hay ghép dưới niêm mạc mũi với mảnh sụn sườn, xương mào chậu.

 

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa viêm mũi teo

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mũi teo

Chế độ sinh hoạt:

Bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm bớt các triệu chứng của viêm mũi teo:

  • Làm ẩm niêm mạc mũi bằng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ mũi hoặc mỡ dưỡng ẩm theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa.
  • Làm ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm.
  • Rửa sạch mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi, giữ ấm và nâng cao thể trạng là chủ yếu.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh viêm mũi teo có thể bổ sung thêm một số loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm như súp lơ, ớt chuông, trái cây họ cam quýt, đu đủ, sơ ri,... chứa nhiều vitamin C.
  • Thực phẩm có chứa tinh dầu hỗ trợ thông mũi họng, kháng khuẩn. Các loại thực phẩm như hành, tỏi, gừng, rau mùi, bạc hà, kinh giới,... chứa nhiều tinh dầu có khả năng kháng khuẩn và lợi mũi họng.
  • Thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và hấp thu.
 

Phương pháp phòng ngừa viêm mũi teo

Thật không may, hiện nay vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa viêm mũi teo. Tuy nhiên, bạn có thể nâng cao sức khỏe để hạn chế các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như:

  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn;
  • Mang khẩu trang khi đến nơi tập trung đông người, nơi có khói bụi; 
  • Xúc họng bằng các dung dịch kiềm;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất; 
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích: cay, nồng, hơi kiềm mạnh, bụi và khí acid;
  • Không lạm dụng các thuốc xịt thông mũi;
  • Rửa mũi hằng ngày bằng các dung dịch NaCl 0,09%;
  • Tránh bị lạnh hay ẩm đột ngột hoặc kéo dài;
  • Tiêm phòng ngừa vắc xin cảm cúm hằng năm;
  • Điều trị tốt các ở viêm nhiễm ở mũi họng: Viêm amidan, viêm VA,...
 

Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6

Mang khẩu trang nơi công cộng

Đang xem: Viêm mũi teo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng