Phụ Nữ Mắc Bệnh UNG THƯ TUYẾN GIÁP Có Mang Thai Được Không?

Phụ Nữ Mắc Bệnh UNG THƯ TUYẾN GIÁP Có Mang Thai Được Không?

Bị ung thư tuyến giáp có mang thai được không là câu hỏi rất phổ biến ở chị em phụ nữ mắc căn bệnh này, bởi vì tuyến giáp liên quan trực tiếp đến các hoạt động chuyển hóa, phát triển của cơ thể, trong đó có khả năng sinh sản. Vậy những chị em mắc bệnh này có cơ hội làm mẹ hay không, mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ giới:

Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Bệnh tiến triển chậm và có tuổi thọ có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm.

Tại Việt Nam, ung thư biểu mô tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100,000 dân, ở nam giới là 1,8/100,000 dân.

Chính sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới so với nam giới là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao hơn. Bởi lẽ, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn nam giới. Các giai đoạn có thể kể ra là quá trình dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh – cho con bú và thời kỳ mãn kinh.

2. Bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như thế nào?

Tuyến giáp là nơi sản xuất ra 2 hormone đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể là Triiodothyronine và Thyroxine. 

Rối loạn tuyến giáp liên quan đến việc sản xuất quá mức (cường giáp) hoặc sản xuất thiếu (suy giáp) hormone đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Quá ít hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản theo những cách sau:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khó thụ thai.
  • Can thiệp vào việc giải phóng trứng từ buồng trứng (giai đoạn rụng trứng)
  • Tăng nguy cơ sẩy thai
  • Tăng nguy cơ sinh non

Quá nhiều hormone tuyến giáp do cường giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản bằng cách:

  • Phá vỡ chu kỳ kinh nguyệt
  • Gây giảm số lượng tinh trùng
  • Tăng nguy cơ sảy thai sớm
  • Tăng nguy cơ sinh non

Khả năng sinh sản không phải là mối quan tâm của riêng phụ nữ. Rối loạn tuyến giáp ở nam giới cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của một cặp vợ chồng. Chức năng tuyến giáp bị có thể làm giảm chất lượng khả năng vận động của tinh trùng, khiến tinh trùng khó xâm nhập vào trứng để làm tổ.

3. Người mắc bệnh ung thư tuyến giáp có mang thai được không?

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư tuyến giáp rất cao, chiếm khoảng 80%. Thêm vào đó, ung thư tuyến giáp thường xuất hiện ở độ tuổi sinh sản. 

Một khi mắc bệnh về tuyến giáp, khả năng sinh sản của chị em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng các nhà khoa học khẳng định người bị ung thư tuyến giáp khi được điều trị ổn định có thể sinh con được.

Một nghiên cứu tại Trung Quốc trên 96 người phụ nữ có tiền sử bị ung thư tuyến giáp thể nhú đã điều trị cho thấy tiền sử ung thư tuyến giáp KHÔNG liên quan đến bất kỳ nguy cơ bất lợi nào trong quá trình mang thai.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ được tiến hành trên 10.842 phụ nữ mắc ung thư tuyến giáp mang thai sau điều trị (2008 – 2015). Nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ sảy thai cao hơn 4 lần, nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn 1,7 lần nếu phụ nữ mang thai trước 6 tháng sau điều trị (so với 12 – 23 tháng sau điều trị). Tuy nhiên, liều lượng điều trị bằng iod phóng xạ không cho thấy ảnh hưởng đến nguy cơ dị tật bẩm sinh. Tóm lại, những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy rằng việc mang thai ít nhất 6 tháng sau khi điều trị bằng iod phóng xạ đối với chị em mắc ung thư tuyến giáp một yếu tố rất quan trọng.

4. Chị em cần lưu ý gì nếu muốn mang thai sau quá trình điều trị ung thư tuyến giáp?

Ung thư tuyến giáp tuy phổ biến nhưng tỷ lệ đáp ứng điều trị là rất cao. Thông thường, chị em sẽ được chỉ định làm phẫu thuật và điều trị bằng phóng xạ iod. Thời gian sau đó chị em sẽ phải uống bổ sung lượng hormone tuyến giáp bị thiếu hụt bằng thuốc. Và tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, giai đoạn phát triển thì liều lượng thuốc sẽ thay đổi.

Chị em muốn sinh con thì cần chờ thời gian tối thiểu 6 tháng sau khi điều trị ung thư tuyến giáp. Đến khi có thai, chị em vẫn cần sự theo dõi sát sao của bác sĩ bởi nhu cầu hormone của mẹ bầu sẽ thay đổi trong suốt thai kỳ. Lượng hormone nạp vào cơ thể cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Các nữ chiến binh K giáp hoàn toàn có thể mang thai nếu như sức khỏe sau điều trị ổn định, bổ sung hormone tuyến giáp đúng và đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và đảm bảo thời gian mang thai sau xạ trị tối thiểu là 6 tháng.

Đang xem: Phụ Nữ Mắc Bệnh UNG THƯ TUYẾN GIÁP Có Mang Thai Được Không?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng